Chưa có sản phẩm trong giỏ hàng.

Cẩu tích (Cibotium barometz (L.) J. Sm.)

3/03/2023

Tên khoa học: Cibotium barometz (L.) J. Sm.

Họ: Cẩu tích (Dicksoniaceae).

Tên khác: Cây lông khỉ, Lông cu li, Cù liền, Cù lần, Kim mao, Rôi nhay chảo vẳng.

Mô tả: Cây thuộc loại dương xỉ hóa gỗ, thường xanh, cao 1,5 – 3,0 m. Thân rễ to, mọc vùi sát mặt đất, hơi nạc, phủ dày lông mềm, vàng nâu óng ánh. Từ thân rễ mọc lên 3 – 5 lá to, xẻ 3 lần lông chim, cả phiến lá gần giống hình tam giác, nhỏ dần về đỉnh. Cuống lá cứng, to, màu nâu đen, có lông mềm, dài 1,0 – 2,5 m; thùy lá cấp 3 hình chùy, mép khía răng cưa tròn, nông; mặt trên xanh, mặt dưới nhạt hơn, gân có lông. Cơ quan sinh sản là những túi bào tử, xếp đều đặn hai bên gân giữa mặt dưới lá, túi bào tử có áo 2 mảnh; bào tử hình gần tròn, sần sùi, màu vàng nhạt.

Mùa hoa quả: Tháng 10 – tháng 1 năm sau.

Phân bố: Cẩu tích phân bố tương đối rộng rãi khắp các tỉnh miền núi ở nước ta. Tập trung tại các tỉnh: Kon Tum (huyện Đắk Glei, Đắk Tô, Kon Plông), Gia Lai (K’ Bang), Đắk Lắk (Krông Bông), Lâm Đồng (Lạc Dương, Lâm Hà, Bảo Hà), Lai Châu (Phong Thổ, Than Uyên, Sìn Hồ), Điện Biên (Tuần Giáo, Tủa Chùa), Sơn La (Mường La, Sông Mã, Mộc Châu), Hà Giang (Quản Bạ, Yên Minh, Bắc Mê); Yên Bái (Mù Cang Chải) …

Bộ phận dùng: Thân rễ – Rhizoma Cibotii, thường gọi là Cẩu tích, Lông phủ ngoài thân rễ cũng được dùng.

Thành phần hóa học: Thân rễ cẩu tích chứa tinh bột (30%), aspidinol và nhiều chất khác ( – sitosterol, acid stearic, daucosterol, acid cafeic, acid protocatechuic). Lông vàng ở thân rễ có tanin và sắc tố.

Công dụng: Dùng chữa phong hàn, thấp tê đau lưng, nhức mỏi chân tay, khó cử động, đau dây thần kinh toạ, chứng đi tiểu són không cầm, di tinh, bạch đới. Ngày dùng 10 – 20 g dạng thuốc sắc.

Lông vàng quanh thân rễ dùng đắp ngoài chữa các vết thương chảy máu. Người ta thường để nguyên thân rễ với 4 gốc cuống lá tạo hình con vật 4 chân có lông vàng (Kim mao Cẩu tích) rồi phun rượu vào tạo ẩm cho lông mọc nhiều để lấy lông dùng cầm máu. Hoặc lấy đoạn thân rễ có lông đem treo lên, thỉnh thoảng lại phun rượu để lông mọc tiếp.

Cách dùng: 10 – 18 g mỗi ngày, dạng thuốc sắc, ngâm rượu.

Kiêng kỵ: Thận hư nhiệt hoặc hư hàn không dùng. Can hư hoặc có uất hỏa không dùng.

Tri thức sử dụng của dân tộc: Người dân tộc Dao dùng trị rắn cắn, bệnh về thận; người Nùng thường sử dụng để trị thấp khớp, bổ máu; người Tày dùng trong các bệnh gan, khớp.

phone zalo messenger back to top
Xóa sản phẩm thành công. Thêm vào giỏ hàng thành công.