Đơn châu chấu (Aralia armata Seem)
4/03/2023
Tên khoa học: Aralia armata Seem.
Họ: Nhân sâm (Araliaceae).
Tên khác: Ráy ghim (Dao), Cây răng, Cây cuồng, Đinh lăng gai, Cẩm giàng (Tày)
Mô tả: Cây nhỏ, cao 1 – 2 m, có thân mảnh, mang nhiều gai cong quắp. Cành mọc loà xoà. Lá lớn, kép lông chim 2 – 3 lần, có 9 – 11 lá chét có phiến hình trứng, nhẵn cả hai mặt, nhưng trên gân có những gai nhỏ như sợi tơ; cuống lá có bẹ. Cụm hoa chuỳ gồm nhiều tán dài; cuống hoa có gai. Hoa nhỏ, màu lục, vàng nhạt. Quả hạch hình tròn, màu đen.
Mùa hoa quả: Tháng 7 – 9.
Phân bố: Cây mọc tự nhiên ở hầu hết các tỉnh trung du và miền núi.
Bộ phận dùng: Rễ, vỏ rễ và lá – Radix, Cortex Radicis et Folium Araliae Armatae.
Thành phần hóa học: Trong rễ, thân, lá Đơn châu chấu chứa saponin, sterol, acid amin. Ngoài ra, trong lá còn chứa carotenoid, lá và thân đều chứa đường khử, rễ chứa polysaccharid, saponin triterpen.
Công dụng: Cả cây chữa phong thấp tê bại, phù thũng; lá và rễ chữa rắn cắn. Rễ sắc hoặc ngậm chữa viêm amygdal, viêm họng, thấp khớp, viêm gan cấp, viêm bạch hầu, viêm thận phù thũng, viêm sưng vú, vết thương do dao chém, sốt rét cơn. Lõi thân làm thuốc bổ. Lá giã đắp chữa mụn nhọt. Nhựa của nõn non chấm làm tan nốt lẹo ở mắt. Quả sao khô, tán bột thổi chống ngạt mũi.
Cách dùng: Để làm thuốc, thường dùng 10 – 30 g rễ khô sắc nước uống; dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.
Tri thức sử dụng của dân tộc: Đồng bào vùng núi thường lấy lá non, chồi non về luộc hay xào ăn như các loại rau khác. Có thể tước bỏ gai trước khi xào, nhưng ở những nõn non thì sau khi xào gai cũng trở nên mềm.