Huyền sâm (Scrophularia buergeriana Miq.)
4/03/2023
Tên khoa học: Scrophularia buergeriana Miq.
Họ: Hoa mõm chó (Scrophulariaceae).
Tên khác: Hắc sâm.
Mô tả: Bắc huyền sâm là cây thuộc thảo cao 1,5 – 2 m. Thân có 4 cạnh, màu xanh, có rãnh dọc. Lá mọc đối, hình trứng, đầu nhọn, mép có răng cưa, có màu xanh nhạt dài 3 – 8 cm, rộng 1,5 – 2 cm. Hoa mọc ở đầu ngọn hoặc đầu cành, màu vàng nhạt; ống tràng hoa hình chén, cánh hình môi, chia làm 5 thùy; có 4 nhị. Quả nang trong có nhiều hạt đen nhỏ. Rễ to mập nhưng hơi cong, phần giữa rễ củ phình lớn, hai đầu củ hơi thon.
Mùa hoa quả: Thường ra hoa vào mùa hè.
Phân bố: Cây Huyền sâm ở Việt Nam vốn được di thực từ Trung Quốc, được trồng ở các tỉnh trung du và miền núi Bắc bộ.
Bộ phận dùng: Rễ củ – Radix Scrophulariae.
Thành phần hóa học: Có hơn 162 hợp chất có trong huyền sâm. Đó là các saponin, sterol, flavonoid, saccharid, terpenoit, dầu dễ bay hơi, axit hữu cơ, iridoids và iridoid glycoside (thành phần đáng chú ý là harpagid), phenylpropanoid glycoside.
Công dụng: Trong Y học dân tộc cổ truyền, huyền sâm được dùng làm thuốc chữa sốt kèm theo khát nước có lưỡi đỏ hoặc phát ban, bệnh tràng nhac, bệnh bạch hầu, viêm họng, táo bón, mụn nhọt, lở loét, viêm màng kết. Đặc biệt là tác dụng tán kết, nhuyễn kiên giúp làm mềm các khối u rắn trong cơ thể.
Cách dùng: Liều dùng 10 – 12 g dưới dạng thuốc sắc.
Kiêng kỵ: Do vị thuốc có tính lạnh nên không dùng cho những người tỳ vị hư hàn, đại tiện lỏng. Vị thuốc này không được dùng chung với các loại dược liệu như can khương, đại táo, hoàng kỳ và lê lô.