Kê huyết đằng (Spatholobus suberectus Dunn)
30/07/2023
Tên khoa học: Spatholobus suberectus Dunn.
Họ: Đậu (Fabaceae).
Tên khác: Làng sam (Dao), Huyết đằng hoa trắng, Huyết rồng lào, Hồng đằng, Thuyết đằng, Hoạt huyết đằng, Dây máu người, Mo thùy lào, Khan dạ lùa, Khan lượt (Tày).
Mô tả: Dây leo thân gỗ, to khỏe dài tới 10 m, vỏ ngoài màu hơi nâu, hình trụ tròn hoặc dẹt, mặt cắt có 2 – 3 vòng gỗ đồng tâm hoặc không đồng tâm, có nhiều nhựa màu đỏ nâu, có lông mềm, về sau nhẵn. Lá kép 3 lá chét; cuống lá dài 5 – 10 cm, lá chét dai là giữa to hơn và có cuống ngắn, lá chét 2 bên gần như không cuống. Phiến lá chét giữa hình trứng, lá chét 2 bên hơi hình thận dài 7 – 11 cm, rộng 3,5 – 6,5 cm, bóng, 3 lần dài hơn rộng, các lá chét bên so le, dài 7 – 12 cm, rộng cỡ 3cm, tròn ở gốc, nhọn ở đầu, nhẵn; gân bên 9 cặp; mặt trên màu xanh, mặt dưới màu xanh nhạt; lá kèm nhỏ dễ rụng. Cuống hoa nhỏ có lông, 3mm, đài có lông với các thùy hình tam giác tù. Tràng hoa màu tía, 10 – 11 mm, cánh cỡ lõm, gần tròn, lườn thẳng, quả đậu hình lưỡi liềm, có cánh, có lông nhung. Hạt đơn độc ở ngọn quả.
Phân bố:
Cây của Trung Quốc, Lào và Việt Nam.
Ở nước ta, thường gặp ở các tỉnh phía Nam từ Lâm Đồng, Đồng Nai, Sông Bé tới Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định. Vùng núi phía bắc nhiều nhất là ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hòa Bình.
Bộ phận dùng: Thân gỗ leo.
Thành phần hóa học: Có flavonoid, sterol, lignan, anthraquinone, axit phenolic, terpenoid và glycoside của chúng, trong đó flavonoid là chất có hoạt tính chính, bao gồm flavon, flavanone, isoflavan, isoflavone và chalcone. Chứa salidroid, leriodendrin, emodin, physcion chrysophanol, rosamulin ngoài ra còn chứa catechin, acid protocatechic, acid vanilic, acid stearic daucosterol, β sitosterol. Cây chứa chất nhựa chủ yếu là tanin.
Công dụng: Sử dụng điều trị thiếu máu, kinh nguyệt bất thường, đau bụng kinh và rong kinh, các bệnh liên quan đến xương khớp như thấp khớp, viêm xương khớp và đau lưng.
Cách dùng: Ngày dùng từ 10 g đến 15 g, dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu.