Ngưu bàng (Arctium lappa L.)
30/07/2023
Tên khoa học: Arctium lappa L.
Họ: Cúc (Asteraceae)
Mô tả: Cây thảo, sống hai năm hoặc nhiều năm, cao khoảng 1m, có khi hơn. Thân thẳng, phân nhánh, có rãnh dọc, màu tím tía, hơi có lông. Lá mọc thành hình hoa thị ở gốc và so le ở trên thân; những lá phía dưới có cuống dài, thường hình tim, dài 30-40 cm, rộng 20-30 cm, gốc lõm, đầu tù hoặc hơi nhọn, mép có răng cưa rất nhỏ, uốn lượn, mặt trên nhẵn, mặt dưới có nhiều lông trắng mịn; lá phía trên hình bầu dục.
Cụm hoa mọc ở ngọn thân thành ngù mang nhiều đầu; tổng bao lá bắc gần hình cầu, đường kính 3-4 cm, lá bắc hợp thành nhiều lợp; hoa màu tím hoặc tím nhạt; tràng hình ống hẹp chia 5 thùy.
Quả bế, thuôn hoặc gần hình trứng, hơi có cạnh tam giác, màu xám nâu, có nhiều chấm đen.
Mùa hoa quả: Mùa hoa (tháng 6-7), mùa quả (tháng 8-9).
Phân bố:
Trên thế giới, cây mọc tự nhiên ở vùng cận Himalaya thuộc Ấn Độ, Nepal, Trung Quốc và được trồng nhiều tại Nhật Bản, Trung Quốc.
Tại Việt Nam, Ngưu bàng được nhập trồng từ Trung Quốc vào năm 1959, trồng tại Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang.
Bộ phận dùng: Rễ thu hái vào năm đầu, quả thu hái khi chín.
Thành phần hóa học: Quả chứa nhiều chất thuộc nhóm lignan (arctiin, arctigenin,…), sterol (daucosterol), polysaccharid (inulin), dầu béo,.
Rễ chứa inulin (50%), polyacetylen, các acid bay hơi (acid acetic, acid propinic,…)
Công dụng và cách dùng: Quả Ngưu bàng chữa cảm cúm, tiểu tiện không thông, sốt, sưng vú, họng sưng đau, viêm phổi, viêm tai. Rễ có tác dụng lợi tiểu, tăng tiết mồ hơi và phục hồi sức khỏe.