Ô đầu (Aconitum sp.)
30/07/2023
Tên khoa học: Aconitum sp.
Họ: Hoàng liên (Ranunculaceae).
Tên khác: U tầu (Dao), Củ ấu tàu, Củ gấu tàu, Xuyên ô, Thảo ô.
Mô tả: Cây thảo đa niên cao 0,6 – 1 m, thân mọc thẳng đứng, có lông ngắn. Lá mọc so le, xẻ thùy, gân lá chân vịt, mép lá có răng cưa to. Hoa lớn, màu xanh tím mọc thành chùm dày dài 5 – 15 cm ở ngọn. Lá bắc nhỏ. Đài sau giống hình mũ nông. Quả có 5 đại, mỏng như giấy, dài 23 mm, hạt có vẩy ở trên mặt.
Rễ phát triển thành củ gồm củ mẹ và củ con. Củ rất đa dạng nhưng thường có hình con quay. Vỏ ngoài đen, phía trong trắng, nếm thấy tê lưỡi.
Mùa hoa quả: Tháng 10 – 11.
Phân bố: Mọc hoang ở các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Nghĩa Lộ.
Bộ phận dùng: Rễ củ (Radix Aconiti).
Thành phần hóa học: Chủ yếu là các C19 – diterpen alkaloid (aconitin, hypaconitin, mesaconitin, lipoaconitin, lipomesaconitin…), ngoài ra còn có các C20 – diterpenoid alkaloid (ignavin, delgradin,…), các loại alkaloid khác, tinh bột, đường, manit, chất nhựa, axit hữu cơ.
Công dụng: Dùng để chữa một số triệu chứng nguy cấp, mạch gần như không có, ra nhiều mồ hôi; trị các chứng tê thấp, nhức mỏi. Ô đầu thường chỉ được dùng ngoài làm thuốc xoa bóp trị đau nhức.
Tri thức sử dụng của dân tộc: Nhân dân thường sử dụng Ô đầu ngâm rượu để xoa bóp khi bị đau nhức, mỏi chân tay.