Thanh phong (Đìa dzàn) (Sabia parviflora Wall.)
30/07/2023
Tên khoa học: Sabia parviflora Wall.
Họ: Thanh phong (Sabiaceae).
Tên khác: Mày ben méng (Dao), Thanh phong hoa thưa, Tiểu hoa thanh phong đằng, Đìa giản.
Mô tả: Cây nhỡ leo, nhánh mảnh có sọc dọc. Phiến lá thuôn, dài 5 – 10 cm, đầu nhọn, gốc tù, hơi không cân, gân phụ 6 – 7 cặp; cuống 1,5 cm. Chuỳ hoa ngắn, ở nách lá. Hoa nhỏ, cao 3 – 4 mm, có 5 lá đài, 5 – 6 cánh hoa, 5 nhị cao không bằng nhau, bầu tròn.
Mùa hoa quả: Hoa tháng 4, quả tháng 8.
Phân bố:
Loài phân bố ở Nepan, Assam, Nam Trung Quốc và Bắc Việt Nam, thường ở trong rừng núi cao 900 – 2.800 m.
Ở nước ta, cây mọc trong rừng thường xanh hay savan cây gỗ, ở độ cao 1200 m, vùng Sapa (Lào Cai), Di Linh (Lâm Đồng).
Bộ phận dùng: Rễ – Radix Sabiae Parviflorae.
Thành phần hóa học: Cây có chứa triterpenoid, flavonoid, alkaloid, axit phenolic, phenylpropane và polysacarid.
Công dụng: Dùng chữa viêm gan, phong thấp, đòn ngã tổn thương (rễ). Còn đun nước tắm cho phụ nữ sau khi đẻ để chóng hồi phục sức khỏe.
Ở Vân Nam (Trung Quốc), rễ cây dùng trị viêm gan, phong thấp và đòn ngã tổn thương bên trong cơ thể.
Tri thức sử dụng của dân tộc: Đìa dzàn là vị thuốc quan trọng trong bài thuốc tắm gia truyền của người Dao ở Cao Nguyên Đá, giúp phục hồi sức khỏe cho người ốm yếu, mệt mỏi, đặc biệt cho phụ nữ sau sinh.